Cỗ kiệu của thành tựu học vấn và nguyện vọng đỗ đạt
Kiệu Hakurakuten (kiệu Bạch Lạc Thiên) là một cỗ kiệu yamaboko tái hiện lại khung cảnh khi thi nhân đời Tống Bạch Lạc Thiên – còn được biết đến với cái tên Bạch Cư Dị – tới thăm nơi ở của Đạo Lâm Thiền Sư trên một ngọn thông già. Bạch Lạc Thiên khoác trên mình bộ y phục màu trắng, đầu đội mũ ô sa, hai tay cầm cái hốt trong tư thế sẵn sàng thỉnh giáo lời dạy của Đạo Lâm Thiền Sư. Bên cạnh ông là Đạo Lâm Thiền Sư trong y phục màu tím, đầu đội mũ xanh, tay trái cầm tràng hạt, tay phải giơ phất trần, đang ngồi trên vỏ cây thông.
Chuyện kể rằng khi được Bạch Lạc Thiên chất vấn về đại ý của Phật pháp, Đạo Lâm Thiền Sư đã trả lời như thế này: “Làm việc thiện, không làm việc ác”. Bạch Lạc Thiên nghe vậy liền vặn ngược lại: “Điều đó đến trẻ con cũng biết”. Chỉ khi được Đạo Lâm Thiền Sư giảng giải cho rằng: “Đúng. Nhưng một ông lão tám mươi cũng chưa chắc đã thực hiện được”, Bạch Lạc Thiên mới thực sự cảm phục. Noi theo tinh thần cầu đạo cũng như sự giác ngộ của Bạch Lạc Thiên, Hakurakuten đã trở thành cỗ kiệu phù hộ cho thành tựu trong thi cử và học vấn.
Gion: Lễ hội với lịch sử lâu đời nhất thế giới
Gion là một lễ hội được tổ chức mỗi năm một lần, khi một trong những vị thần được thờ phụng tại đền Yasaka là Susanoo-no-Mikoto cùng gia đình sẽ ngồi trong ba ngôi miếu di động – gọi là mikoshi – và được rước đi quanh những khu phố nơi con dân của người đang sinh sống. Đây là lễ hội có lịch sử lâu đời nhất thế giới, kéo dài hơn 1100 năm. Lễ hội này bao gồm hai hoạt động chính: nghi thức rước miếu mikoshi togyo do đền Yasaka thực hiện và nghi thức đưa kiệu yamaboko junko được tiến hành bởi người dân quận Shimogyo. Lễ hội chính thức bắt đầu từ ngày 1 tháng 7, khi các quận lần lượt tiến hành nghi thức khai mạc kippu-iri; được tiếp nối bằng nghi thức đưa kiệu đón các vị thần vào ngày 17 tiền lễ hội (saki-matsuri) và nghi thức tiễn các vị thần vào ngày 24 hậu lễ hội (ato-matsuri). Khoảng thời gian ba ngày trước nghi thức đưa kiệu tiền lễ hội và hậu lễ hội là lễ yoiyama, khi một loạt đèn lồng trên những cỗ kiệu yamaboko sẽ được thắp sáng và giai điệu Gion-bayashi được tấu lên. Vào ngày 31 tại đền Eki thuộc khuôn viên đền Yasaka sẽ diễn ra lễ hội nagoshi, khép lại toàn bộ chuỗi sự kiện của lễ hội Gion.
Nguyện vọng của dân chúng - Xua đuổi dịch bệnh
Năm 869, khi bệnh dịch hoành hành khắp kinh đô, triều đình lo ngại rằng bệnh dịch bắt nguồn từ những âm linh gây hại, liền chọn bờ hồ vườn Shinsen’en nằm ở phía nam đại nội làm nơi tiến hành nghi lễ goryo-e trấn áp các linh hồn. Khi ấy, nam nhi trong kinh thành phải rước ba ngôi miếu di động từ đền Yasaka – lúc bấy giờ được gọi là đền Gion – đến vườn Shinsen’en, và dựng lên 66 mũi giáo tượng trưng cho 66 vùng miền trên nước Nhật vào thời điểm bấy giờ, để cầu xin các vị thần giúp họ xua đuổi dịch bệnh. Đây chính là khởi nguồn của lễ hội Gion.
Sau đó, trải qua hàng loạt những biến động lịch sử như loạn Onin, rồi ba trận đại hỏa hoạn thời kỳ Edo… lễ hội Gion liên tục được tái kiến thiết. Cũng đã có một khoảng thời gian việc tổ chức lễ hội bị gián đoạn khi chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra, nhưng rồi lại tiếp tục được tiến hành vào năm 1947, 1948, tuy có chút thay đổi trong cách thức. Năm 1952, nghi thức đưa kiệu được khôi phục lại như trước khi xảy ra chiến tranh. Từ năm 1955, do nảy sinh những vấn đề như trở ngại giao thông mà lễ hội đã phải trải qua một số điều chỉnh, chẳng hạn như thay đổi lộ trình, rồi ghép hai nghi thức đưa kiệu tiền lễ hội và hậu lễ hội lại làm một. Tuy nhiên, đến năm 2014, sau 49 năm vắng bóng, nghi thức đưa kiệu hậu lễ hội cuối cùng cũng được tiến hành trở lại.
Nghi thức đưa kiệu yamaboko junko: Những viện bảo tàng di động
Những cỗ kiệu yamaboko lộng lẫy trang hoàng cho lễ hội Gion gồm ba loại chính: kiệu hoko, kiệu yama và kiệu kasaboko. Kiệu hoko là những cỗ kiệu dạng lầu được dựng quanh một cột gỗ lớn gọi là shingi, tượng trưng cho dịch bệnh. Những cỗ kiệu này được gắn bánh xe và di chuyển bằng cách giao cho người kéo. Kiệu kasahoko là những chiếc ô lớn gắn vật trang trí hoặc ngọn thông ở phía trên. Kiệu yama thì được chia thành hai loại: hikiyama và kakiyama. Hikiyama về căn bản giống với kiệu hoko, chỉ khác ở chỗ shingi được thay bằng một cây thông gọi là shinmatsu. Kakiyama là những cỗ kiệu tái hiện lại một khung cảnh trong một câu chuyện thần thoại, truyền thuyết hoặc điển cố; có thể được ví như những sân khấu kịch di động. Riêng Hakurakuten là một cỗ kiệu kakiyama, nhưng shinmatsu của nó có chiều cao lên đến hơn 7 mét tính từ mặt đất, là cỗ kiệu với shinmatsu cao nhất trong số những cỗ kiệu yama tại lễ hội Gion.
Tô điểm cho kiệu yamaboko là những tấm tranh dệt quý, những tác phẩm nghệ thuật xa xỉ bậc nhất đến từ khắp nơi trên thế giới, du nhập vào Nhật Bản từ thời Edo khoảng vài trăm năm về trước. Chính vì vậy mà lễ hội Gion còn được biết đến với cái tên “Viện bảo tàng di động”. Bức tranh dệt được treo ở chính giữa mặt trước kiệu Hakurakuten là tác phẩm của Bỉ từ thế kỷ XVI, tái hiện lại cảnh thành Troy thất thủ trong trường ca Iliad. Ngoài ra những bức dệt trang trí phần diềm, đuôi và hai bên thân kiệu cũng là những tác phẩm được nhập khẩu từ Pháp.
Chú ý đến những chiếc bùa!
Chimaki là bùa hộ mệnh được làm từ lá tre, giúp xua đuổi tai ương và bệnh tật. Dựa trên điển tích về cuộc đối thoại giữa Bạch Lạc Thiên và Đạo Lâm Thiền Sư, bùa này còn có tác dụng cầu phước, giải họa và phù hộ cho người sở hữu nó học hành tấn tới.